Saturday, November 30, 2013

GIỌT-SƯƠNG-GIÊSU

Ruộng-trần-gian hạn hán
Khát Giọt-Sương-Giêsu
Cúi xin Ngài mau đến
Nhân gian thỏa mong chờ

            Ngài là Vua Công Lý
            Là Hoàng Tử Bình An
            Xin Ngài đến cứu độ
            Nhân loại thoát lầm than

Ngài là Vua Thương Xót
Nâng đỡ kẻ nghèo hèn
Những ai bị áp bức
Được Ngài giải thoát liền

            Kiếp phàm nhân khốn khổ
            Không là nhạc, là thơ
            Nhưng bỗng hóa kỳ lạ
            Nhờ Giọt-Sương-Giêsu

TRẦM THIÊN THU

Thursday, November 28, 2013

GIẶT ÁO

[Niệm khúc Kh 7:14; Kh 22:14]

Hằng ngày con giặt áo đời
Giặt bằng Máu của Con Người Giê-su
Giặt khi đau khổ sớm khuya
Giặt khi nước mắt nhạt nhòa bờ mi

VỌNG NGÔI HAI

Mong chờ là khoảng-gần-xa
Đêm ngày vọng Đức Kitô giáng trần
Giao hòa Chúa với tội nhân
Dây Tình-Yêu-Chúa kết liên Đất Trời
Xin mau đến, lạy Ngôi Hai
Cho trần gian sống những ngày bình an

TẠ ƠN CHÚA

Xin tạ ơn Thiên Chúa
Cho con được làm người
Có ông bà, cha mẹ
Và có một Đức Tin

Xin tạ ơn Thiên Chúa
Luôn dủ lòng xót thương
Sáng hứa, chiều quên mất
Tội lỗi con khôn lường

Wednesday, November 27, 2013

ĐỜI LỤC BÁT

Đời như lục bát hai câu
Đây câu Lục trĩu nỗi đau kiếp người
Còn câu Bát khổ chơi vơi
Mười phương, tám hướng, suốt đời bôn ba
Một câu không thể thành thơ
Bởi vì Lục Bát bao giờ cũng hai
Đời không đau khổ, đắng cay
Đâu còn là cuộc đời này nữa đâu

Tuesday, November 26, 2013

TRUYỀN THỐNG MÙA VỌNG và GIÁNG SINH

Giáo hội Công giáo dành 4 tuần trước lễ Giáng Sinh làm Mùa Vọng, khoảng thời gian “dọn đường” cho Ngôi Hai Thiên Chúa, Thiên Vương và Đấng Cứu Độ.

Giáo lý Công giáo, số 524, cho biết: Hằng năm, khi cử hành phụng vụ mùa Vọng, Giáo hội mong chờ Đấng Thiên Sai thể hiện qua việc chuẩn bị cho Đấng Cứu Độ đến lần thứ nhất, đồng thời các tín hữu cũng mong chờ Ngài đến lần thứ hai. Khi cử hành sinh nhật và sự tử đạo của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội liên kết chính mình với ước muốn của Thánh Gioan: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.” (Ga 3:30)

ĐIỆP KHÚC CHỜ

Sáng chờ nắng đẹp soi ngày
Trưa mong một chỗ nằm dài nghỉ ngơi
Chiều chờ khô ráo mồ hôi
Tối mong thanh thản đủ vui một ngày
Cuộc đời: chuyền khổ vơi đầy
Đôi tay chai sạn, đôi vai nhọc nhằn

Monday, November 25, 2013

HỘI ĐỒNG TỨ GIÁO

Nhân dịp kỷ niệm sự kiện ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam (ngày 19 tháng 6 năm 1988). Xếp theo thứ tự niên tuế, đứng đầu danh sách là bốn linh mục dòng Đaminh: Francisco Gil de Federich, Mateo Alonso Leciniana (1745), Jacinto Castaneda, Vicentê Lê Quang Liêm (1773). Đặc biệt là hai vị sau cùng đã được gán làm tác giả của một tác phẩm nổi tiếng“Hội đồng tứ giáo” (hoặc đôi khi mang tựa đề dài hơn: “Hội đồng tứ giáo danh sư”). Sở dĩ gọi là “nổi tiếng” bởi vì từ năm 1867 đến năm 1921, nó được in ba lần tại Phú Nhai (Bùi chu) và bảy lần ở Tân Định (Sài-gòn) [1], và được dịch sang tiếng Tây-ban-nha, đăng trên tạp chí “Correo Sino-Annamita”, Manila, vol.31 (1902), trang 121-138; vol. 32 (1903), trang 151-191; 485-494.
Bài này gồm hai phần: trước tiên, trình bày nội dung tác phẩm; sau đó, nhận xét về tác giả và tư tưởng thần học.

SUY TƯ MÙA VỌNG

Thánh Hồng y Henry Newman (1801-1890) là tác giả của những cuốn sách Công giáo có giá trị. Ngài giải thích rằng việc thờ phượng của Kitô giáo nên chuẩn bị cho chúng ta trên thế gian sẽ gặp Đức Kitô, Đấng xét xử chúng ta. Việc cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, và tuyên xưng đức tin có thể chuẩn bị cho chúng ta.

Sunday, November 24, 2013

KHOẢNG MONG CHỜ

Mong chờ là khoảng-gần-xa
Đêm ngày vọng Đức Ki-tô giáng trần
Giao hòa Chúa với tội nhân
Dây Tình-Yêu-Chúa kết liên Đất Trời
Xin mau đến, lạy Ngôi Hai
Cho trần gian sống những ngày bình an

GĨA TỪ

Giã từ Năm Đức Tin
Nhưng đức tin còn mãi
Lạy Thiên Chúa chí ái
Xin luôn ở bên con

Giã từ Năm Đức Tin
Nhưng đức tin còn mãi
Vẫn lung linh sáng chói
Soi bước đời sớm hôm

Giã từ Năm Đức Tin
Nhưng đức tin còn mãi
Lửa yêu vẫn bùng cháy
Thiêu đốt cả đời con

Giã từ Năm Đức Tin
Nhưng đức tin còn mãi
Con tiến về nơi ấy
Vương quốc của Chúa Trời

TRẦM THIÊN THU
Bế mạc Năm Đức Tin, Lễ TĐVN, 24-11-2013

Friday, November 22, 2013

THIÊN VƯƠNG KITÔ

Kitô Vua của muôn loài
Yêu thương hết mực những người thần dân
Thiên Vương mà rất từ nhân
Công minh, chính trực, không phân biệt gì
Dù ai, Ngài chẳng loại trừ
Vẫn luôn che chở, độ trì, đỡ nâng
Dâng lời vạn tuế Thiên Vương
Trọn đời cảm tạ Hồng ân Chúa Trời
Xin Ngài cai trị suốt đời
Thành tâm tín thác cho Ngài đời con

TRẦM THIÊN THU

CHUYỆN NÉN BẠC

Một bữa nọ, sau khi ông Dakêu được Chúa Giêsu gọi xuống khỏi cây sung, ông đã mau mắn thú tội với Chúa Giêsu, rồi xin được đền tội ngay lập tức: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19:8) Chúa Giêsu vui mừng nói công khai cho mọi người biết: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19:9-10) Rồi tiện dịp, Ngài kể thêm một dụ ngôn...

Thursday, November 21, 2013

CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT

Lời cầu nguyện của người sống dành cho người khác – người thân, người đau khổ, và những người chúng ta muốn cầu nguyện cho họ, nhất là các linh hồn – không chỉ hiệu quả đối với người-được-cầu-nguyện mà còn lợi ích cho chính chúng ta. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” (Kinh Hòa Bình – Thánh Phanxicô)

Wednesday, November 20, 2013

MIỀN TĨNH LẶNG

Có một ngôi làng nhỏ
Mỗi người ở một nhà
Không ai nói chi cả
Làng lặng lẽ như tờ

Mọi người như ngủ mơ
Không ai hơn, ai kém
Không bon chen, thù hận
Tĩnh lặng cả ngôi làng

Đó là miền Nghĩa Trang
Dọc ngang những nấm mộ
Vô tư như cây cỏ
Chỉ tiếng gió miên man

Tuesday, November 19, 2013

HỆ LỤY

Mấy ngày trung tuần tháng 11-2013, thông tin đại chúng – từ báo in tới internet – đều “sốt” với “tin nóng” về một cô bảo mẫu đã làm chết một cháu bé mới 18 tháng tuổi tên Đỗ Nhất Long (con đầu lòng của vợ chồng trẻ người Nghệ An) tại một nhà trẻ ở Thủ Đức. Cô “bảo mẫu” gây án là Hồ Ngọc Nhờ, 18 tuổi, người Cần Thơ.
Bảo mẫu là người giữ trẻ. Bảo mẫu thường là phụ nữ, vì phụ nữ luôn dịu dàng và nhu mì. Hiểu theo nghĩa Hán-Việt thì bảo mẫu là “người mẹ bảo vệ con trẻ”. Một công việc cao quý lắm. Thế nhưng “bảo mẫu” Nhờ đã làm ngược lại với thiên chức cao quý của mình. Nhờ làm bảo mẫu nhưng lại hành xử như dân “bảo kê” côn đồ, tàn ác, kinh hãi hơn là giết người.

MONG NGÔI HAI

Sunday, November 17, 2013

CUỘC ĐUA

Sống là tranh đấu. Có nhiều thứ phải cố gắng tranh đấu, khó nhất là tranh đấu với chính “cái tôi” của mình. Không hề dễ vì sự giằng co luôn xảy ra ngay trong con người của mình.

Giống như là lẽ tất nhiên, cuộc đời cũng có nhiều cuộc đua, với mức độ khác nhau, về tinh thần hoặc thể lý: Thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi đại học, thi tuyển tay nghề, thi tuyển công chức, thi tiếng hát truyền hình, thi sáng tác ca khúc hoặc thơ văn, thi người dẫn chương trình, thi làm người mẫu, thi hoa hậu, thi chạy đường dài, thi chạy đường ngắn, thi chạy marathon, thi bơi lội, thi nấu ăn, thi đô vật, thi đua xe đạp, thi hát thánh ca, thi giáo lý,…

Bất kỳ cuộc thi nào cũng có cái khó riêng, cần nỗ lực của chính bản thân – trí tuệ hoặc thể lý, nhưng chắc chắn luôn phải có phần nào tự tin thì mới dám ghi danh để thi, chứ không thể “liều mạng” hoặc ảo tưởng, cứ thấy người khác thi thì mình cũng thi... cho vui!

Truyện dân gian có ngụ ngôn “Thỏ và Rùa.” Chuyện kể rằng…

Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn, chạy rất nhanh, chạy như bay. Khi thấy mình đã bỏ Rùa khá xa, Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới một bóng cây xum xuê lá bên vệ đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Vì quá tự tin vào khả năng của mình, Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi trên đường đua. Rùa từ từ vượt qua Thỏ, và rồi kết thúc đường đua. Khi Thỏ thức dậy thì rùa đã đến đích và trở thành người chiến thắng.

Thỏ tức giận khi biết mình… bị thua. Nhưng muộn mất rồi! Thỏ thất bại ê chề vì quá tự tin, ỷ lại, bất cẩn và vô kỷ luật. Tự tin là điều cần thiết, nhưng “quá tự tin” lại hóa kiêu ngạo, ảo tưởng, thậm chí còn hóa ngu xuẩn. Nếu Thỏ không xem thường mọi thứ, không ảo tưởng cho rằng quá dễ dàng thì Rùa sẽ không thể nào thắng được. Thỏ đã tỏ ra kiêu ngạo khi ỷ mình nhanh mà thách thức Rùa chạy đua. Cuộc đời cũng vậy, thà chậm mà chắc còn hơn là nhanh mà ẩu.

Đường đời có những cuộc thi thố là chuyện tất nhiên. Đường tâm linh cũng có những cuộc đua, nhưng cần sức khỏe tinh thần chứ không cần sức khỏe thể lý.

Thánh Phaolô so sánh và phân tích: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.” (1 Cr 9:24-25) Về tâm linh, gọi là cuộc đua nhưng không mang tính thi đua như các cuộc thi ở đời. Trong cuộc đua trần gian, người ta có thể dùng “xảo thuật” hoặc “mánh lới” để triệt hạ người khác, miễn sao mình thắng cuộc. Nhưng trong cuộc đua tâm linh, người ta không thể đè bẹp người khác để giành chiến thắng, ngược lại còn phải giúp “kéo” người khác cùng chiến thắng với mình.

Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm riêng: “Tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cựcphục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1 Cr 9:26-27) Nếu “chính tôi lại bị loại” thì thật là nguy hiểm!

Ai cũng phải không ngừng nỗ lực chạy đua trên đường nhân đức để khả dĩ đạt “đích” hoàn thiện, là nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Các cuộc đua có sơ khảo và chung khảo, có chạy vòng loại và chạy nước rút. Về tâm linh, thời chúng ta đang sống là “thời cuối cùng,” là thời gian “chạy nước rút,” vì Đức Kitô sắp sửa tái lâm rồi! Biết “cách chạy” là tỉnh thức chờ đón Con Thiên Chúa: “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12:40)

Chạy đua cũng có nhiều cách chạy. Có người chạy vì vui mừng, phấn khởi, thú vị; có người chạy vì hoảng sợ, chạy trốn; có người chạy vì muốn cứu vớt người khác, có người chạy vì nhẫn tâm hoặc vô cảm. Đủ dạng “chạy.”

Khi quân dữ vũ trang đến vây bắt Đức Giêsu, bấy giờ “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.” (Mc 14:50) Khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, thế là anh liền “trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.” (Mc 14:52)

Thánh sử Máccô cho biết kiểu chạy của quý bà: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.” (Mc 16:8) Có những cơn sóng thần, động đất, bão tố,… xảy ra quá mạnh, hoặc tai nạn bất ngờ, người ta không trở tay kịp, có cố gắng chạy cũng chẳng kịp. Thực tế đã rõ ràng!

Người ta thường nói: “May hơn khôn.” Thật vậy, thánh nhân vẫn thường hay đãi những kẻ khù khờ. Còn Thiên Chúa xác định rạch ròi: “Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái.” (1 Cr 1:19) Càng ỷ lại càng thua thiệt, càng kiêu ngạo càng chết sớm. Quả thật, đầu óc phàm nhân chỉ là “bã đậu,” thậm chí như “sỏi đá” mà thôi, chẳng là gì so với Thiên Chúa. Trứng mà sao dám chọi với đá?

Thời Chúa Giêsu đã rõ, ngày nay cũng vậy. Phong trào nhân danh Chúa đang manh nha và phát triển khắp nơi, với đủ kiểu: Người ta vẫn nhân danh Chúa mà xây dựng nhà này hoặc nhà nọ, tổ chức ban bệ lớn và nhỏ, tiệc tùng với nhiều lý do, tranh đấu, loại trừ, lập nhóm, đố kỵ, bè phái, chê trách, kết án, chống đối nhau,... Phải nói là thiên hình vạn trạng rất tinh vi. Kiểu “chạy đua” theo danh vọng và thành tích như vậy thật nguy hiểm – không chỉ nguy hiểm cho chính mình mà còn nguy hiểm cho cả người khác!

Người ta làm theo ý riêng mà cứ tưởng mình làm theo “ý Cha trên trời.” Chúa Giêsu đã nói rõ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21) Lời Chúa nói thẳng, nói thật, nhưng có người vẫn cho rằng Chúa không nói về mình, mà Ngài nói tới “ai đó” thôi. Kinh khủng thật! Và hằng ngày, Ngài cũng vẫn đang hỏi mỗi chúng ta: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6:46) Biết trả lời Ngài sao đây?

Ngày xưa, với cách nói nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã từng cảnh báo về việc nhân danh Ngài: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố thẳng thắn và dứt khoát: “Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác.” (Mt 7:22-23) Những lời chỉ trích rạch ròi chứ không vị nể, thật đáng “giật mình” lắm! Chính Chúa Giêsu cũng đang cảnh báo mỗi chúng ta hôm nay đấy thôi, không trừ ai hết, vì chúng ta cũng có những động thái “lạm dụng danh Chúa,” chỉ “quảng cáo” Chúa để tự quảng cáo mình chứ không thực sự loan báo Tin Mừng để danh Chúa cả sáng và để người khác nhận được ơn cứu độ.

Không thể tự biện hộ hoặc tự nhận mình là thế này hay thế nọ, có quyền này hay quyền kia mà đàn áp người khác, nhất là đối với những người yếu thế hơn mình. Đó là một dạng thi đua rất khó!

TRẦM THIÊN THU

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam – 2013

 Chuyện Lãng Phí
https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/chuyen-lang-phi.html
 Chuyện Xin Lỗi
https://tramthienthu.blogspot.com/2016/08/chuyen-xin-loi.html
 Chuyện Vu Vơ
https://tramthienthu.blogspot.com/2014/10/chuyen-vu-vo.html
 Chuyện Tha Thứ
https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/chuyen-tha-thu.html
 Chuyện Chết Chóc
https://tramthienthu.blogspot.com/2018/11/chuyen-chet-choc.html

VUA KHÔNG NGAI

Trên đầu Thập giá, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, có ghi bảng bằng tiếng Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp: INRI – Jesus Nazarenus Rex Judaeorum – Giêsu Nadarét là Vua dân Do Thái. Thấy vậy, các thượng tế của người Do Thái nói với ông Philatô: “Xin ngài đừng viết: Vua dân Do Thái, nhưng viết: Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do Thái”. Tuy nhiên, ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19:22) Vô tình mà chính họ lại tôn vinh tử tội Giêsu là Vua. Thế mới độc đáo!

Saturday, November 16, 2013

ĐÒ ĐƯA

Làm sao có thể đò đưa
Nếu không có kẻ đưa đò qua sông?
Tay chèo, tay lái không ngừng
Bến bờ kiến thức, ước mong bao người
Sông đời lặng lẽ cứ trôi
Người đưa đò vẫn miệt mài đò đưa
Để bao người tới bến mơ
Một mình lủi thủi trở về bến sông

Friday, November 15, 2013

VỀ ĐÂY ANH

Ai cũng có một quê hương, cũng như ai cũng có cha mẹ. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, đơn giản như chùm khế ngọt, lũy tre làng, những cánh diều, những chú dế, những ruộng lúa,… Phàm những gì đơn giản lại là những thứ khả dĩ ghi đậm dấu ấn không phai nhòa trong ký ức. Vì thế, ai phải tha phương cầu thực cũng đều có những lúc nhớ quê da diết.

THÂN NHÂN của CHÚA

(Lễ Đức Mẹ Dâng Mình)
Maria rất dịu hiền
Một đời nhân đức mười phân vẹn mười
Maria Mẹ Chúa Trời
Xin thương dẫn lối cuộc đời sớm khuya
Lễ Đức Mẹ Dâng Mình là dịp để chúng ta tự “nhìn lại” động thái của mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không theo văn hóa và luật lệ Do Thái, nhưng chúng ta cũng đã được dâng cho Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy theo luật Công giáo. Tuy còn nhỏ, chúng ta chẳng biết gì, nhưng cha mẹ đã thay chúng ta tuyên xưng tin kính MỘT Thiên Chúa Ba Ngôi và từ bỏ ma quỷ. Đó là cách thức mà cha mẹ đã dâng chúng ta cho Thiên Chúa, và suốt đời chúng ta chỉ tôn thờ và phụng sự một mình Ngài mà thôi, vì chính Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20:3). Không chỉ vậy, chúng ta còn không được kêu Danh Chúa vô cớ: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng” (Đnl 5:11). Đó là giới răn 1 và 2 trong Thập Giới.

GIỌT HỒNG CATARINA

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH

Đức Mẹ Dâng Mình Trọn Yêu Thiên Chúa
Đoàn Con Kính Mến Luôn Giữ Đức Tin
Ngày 21-11 hằng năm là lễ Đức Mẹ Dâng Mình. Lễ này tưởng nhớ việc Thánh Gioakim và Thánh Anna đem Ái Nữ Maria lên Đền Thờ Giêrusalem theo truyền thống đạo đức để kính dâng Thiên Chúa lúc Cô Bé Maria được tròn 3 tuổi. Nhi Nữ Maria sống trong khuôn viên Đền Thờ tới lúc 14 tuổi thì được đính hôn với Đức Thánh Giuse.

Tuesday, November 12, 2013

NHƯ LỜI TỐNG BIỆT

Gởi lại người những bước chân lãng tử
Tôi lang thang suốt cả một đời người
Gởi lại người bao ước mơ dang dở
Giã biệt nhau là mãi mãi xa xôi

Tôi đi xa – Trở về lòng Đất Mẹ
Gặp lại mình như thuở còn hồng hoang
Băn khoăn hoài, mắt đời chưa khô lệ
Tìm gặp người trong đằng đẵng bâng khuâng

Chưa trọn mơ mà đành lòng tống biệt
Lời thiên thu thấm xương cốt thịt da
Giã từ nhau bằng mắt nhìn tha thiết
Gởi lại người tình nhạc với thi ca
            
Lạy Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót
Xin thứ tha tội con vương một đời
Dẫu xấu xa nhưng tin Ngài trọn kiếp
Chỉ khát khao có được Chúa mà thôi!

TRẦM THIÊN THU

LỬA YÊU

Lửa rất mềm mà cũng rất mạnh. Một đốm lửa có thể dập tắt bằng một hơi thổi nhẹ hoặc làn gió nhẹ, nhưng ngọn lửa lớn thì rất khó dập tắt. Lửa càng chia sẻ càng tăng thêm nhiều. Và “lửa yêu” cũng vậy!
Máu Thánh của Đức Kitô đã đổ ra vì thương xót và cứu độ nhân loại. Nhờ đó mà có nhiều người không “tham sanh, úy tử,” dám liều mạng sống vì Chúa.

GIỌT MÁU ĐÀO

Tục ngữ Việt Nam có câu hay lắm: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Máu rất quý vì máu là biểu hiện sự sống. Máu được sản xuất không ngừng từ Trái Tim – Trung Tâm Phân Phối Sự Sống. Máu có vài loại máu, nhưng chung quy vẫn là sự sống. Máu có màu đỏ tươi, màu của Tình Yêu Thương. Sự Sống và Yêu Thương chính là hiện thân của Thiên Chúa – Đấng là Nguồn Sống và Tình Yêu.

Monday, November 11, 2013

CHỌN BẠN MÀ CHƠI

Ông bà ta thường khuyên con cháu: “Chọn bạn mà chơi.” Trong cuộc sống, không ai lại không có bạn bè. Nhưng bạn cũng có các loại bạn. Tình bạn là đóa hoa hồng và là mối quan hệ cần thiết cho sự phát triển cá nhân từ tuổi nhỏ.

ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG BA ĐỨC ĐỐI THẦN

Hồi còn trẻ, tôi thường lần chuỗi Mân Côi với bà ngoại hoặc các bà khác trong giáo xứ ngay sau Thánh Lễ mỗi ngày. Trước khi đọc kinh, một người luôn nói: “Chúng ta cùng cầu xin thêm các nhân đức đối thần là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.” Điều này gợi sự tò mò của một đứa trẻ 12 tuổi như tôi muốn biết thêm về các nhân đức này.

Sunday, November 10, 2013

ĐIỀM BÁO

Điềm báo có thể là điềm lành hoặc điềm xấu (gở, xui). Điềm báo có thể xuất hiện trong giấc chiêm bao, cũng có khi xảy ra ở ngoài đời. Các bạn có tin vào điềm không? Người ta cho rằng “gương vỡ” là điềm gở về sự chia ly nào đó. Liệu chúng ta có thể thay đổi hoặc “giải” nó đi? Hay đó là “số mệnh,” chúng ta không thể làm gì, chỉ biết “bó tay” chờ nó xảy ra? Cụ Nguyễn Du có nói: “Có trời mà cũng có ta.” Ý nói chúng ta phải cố gắng “vượt qua chính mình” để vươn lên không ngừng.

DỆT ĐỜI

Âm thầm dệt cuộc đời mình
Đêm ngày mải miết chân thành đường kim
Vết buồn như dấu chân chim
Lăn tăn ngày tháng, phân vân kiếp người

Saturday, November 9, 2013

HỘP THƯ

Thư từ là một dạng liên lạc để nối kết trong các mối quan hệ, những nét chữ là bằng chứng xác thực về một vấn đề nào đó. Người ta có thể nhận thư trực tiếp trao tay hoặc qua bưu tá, nhận thư tại nhà hoặc hộp thư bưu điện (PO Box – Post Office Box). Ngày nay, khoa học phát triển, internet thông dụng, người ta có một dạng hộp thư khác là e-mail (điện thư), tuy ảo mà rất thật.

Friday, November 8, 2013

NHẬN THỨC TÂM LINH

Nhận thức có nhiều dạng. Có thể là nhận thức cảm tính (trực quan), nhận thức lý tính (tư duy), nhận thức kinh nghiệm, nhận thức lý luận,... Đức tin cũng cần lý trí, do đó mà nhận thức cũng cần thiết dọc hành trình đức tin. Dưới đây là hướng dẫn của Thánh Alphonsus de Liguori, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội Công giáo.

Thursday, November 7, 2013

BÁC ÁI CHUYÊN CHẾ HAY TỰ DO?

Bác ái là yêu thương mọi người, không trừ ai. Chuyên chế là độc đoán, áp đặt, như người ta thường nói “quân chủ chuyên chế.” Bác ái mà sao lại chuyên chế? Đó mới là vấn đề!

Trong nhiều điều mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ, bác ái là một trong các quy luật có “giá trị cốt lõi.” Ngài dạy chúng ta yêu thương tha nhân như chính mình, cho người cởi trần có áo mặc và cho người đói khát có cái ăn, cái uống. Ngài quở trách những kẻ khoe khoang giàu có qua việc bỏ tiền ra làm từ thiện, xây nhà thờ, xây bệnh viện, mở trường học,… nhưng chỉ là “phần thừa” và muốn làm vinh danh chính mình chứ chưa hẳn vì yêu thương, còn bà góa nghèo khổ chỉ bỏ ít tiền, nhưng đó là cả tấm lòng hy sinh của bà, muốn cứu giúp tha thân thật lòng.

Wednesday, November 6, 2013

DẤU ẤN

Trong Việt ngữ, chữ DẤU và GIẤU có cách phát âm “na ná” nhau, nhưng sai một ly là… “đi đoong” luôn đấy! Tuy nhiên, đây cũng là hai từ thường bị lầm lẫn trong cách dùng, đôi khi còn thấy bị dùng sai ngay cả trên báo chí!

VẠCH SINH TỬ

Đường theo Chúa sao mà gian nan quá
Vừa chật hẹp vừa lắm những gai chông
Chầm chậm bước mà luôn phải ngó chừng
Sảy một ly có thể nguy ngàn dặm

Tuesday, November 5, 2013

BÀI HỌC TỪ NHỮNG SAI LẦM

Cuộc sống dạy chúng ta nhiều bài học. Những bài học đó là kinh nghiệm, không chỉ từ sự thành công mà còn từ thất bại, đặc biệt là từ các sai lầm của chúng ta. Nhân vô thập toàn. Đừng nản chí sờn lòng!

Vì đã sai lầm hoặc có quyết định thiếu sáng suốt, như vậy không có nghĩa là cuộc đời “chấm hết.” Sau cơn mưa, trời lại sáng. Hãy đứng dậy và làm lại từ đầu! Kinh nghiệm là bài học giá trị từ những sai lầm đó.

RA ĐI

Có nhiều cách ra đi: ồ ạt ra đi, lần lượt ra đi, tuần tự ra đi, nối bước nhau ra đi,… Ra đi vì bổn phận, ra đi vì bị bắt buộc, ra đi vì bị sa thải, ra đi vì cảm thấy mình thừa, ra đi vì “quê độ,” ra đi vì thua cuộc, ra đi vì giận hờn, ra đi vì bực tức, ra đi vì “chảnh,” ra đi vì kiêu kỳ, ra đi vì xấu hổ, ra đi vì mặc cảm, ra đi để tránh né, ra đi để chạy trốn, ra đi vì tự ái, ra đi vì lợi ích của người khác, ra đi để làm điều xấu xa,… Rất đa dạng. Một dạng “ra đi” đặc biệt nhất là… CHẾT.

HÀNH TRÌNH TIN YÊU

Monday, November 4, 2013

CHẾT LÀ SỐNG

Công giáo khác hẳn với các tôn giáo khác là tin có sự sống lại và sự trường sinh bất tử. Đó không chỉ là “niềm tin” mà còn là sự thật minh nhiên, bằng chứng là Chúa Giêsu đã bị người ta giết chết, nhưng Ngài đã chiến thắng Tử thần mà phục sinh vinh hiển. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Hằng Sinh, đúng như Chúa Giêsu đã xác định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống(Ga 14:6).
Có một kiểu “không giống ai” mà Thánh Phanxicô Assisi đã minh định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. CHẾT mà lại là SỐNG. Chẳng ai không có niềm tin lại có thể tin nổi, vì thường thì ai cũng “tham sanh, úy tử”, thậm chí còn biến thành hèn nhát, chứ có mấy ai lại dám liều mạng. Nhưng cái nghịch-lý-thuận “chết là sống” kia chỉ có trong niềm tin Kitô giáo. Và điều này được minh chứng sống động qua các vị tử đạo xưa nay!

Sunday, November 3, 2013

TẦM NHÌN

Người ta nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Đúng vậy! Tuy nhiên, chính đôi mắt cũng có thể là “đầu mối” của sự thiện hoặc sự ác!
Thiên Chúa ban cho đôi mắt để nhìn, nhìn để biết, biết để phân biệt cái gì đúng hay sai, phân biệt để xác định nên làm hay không nên làm gì. Cách nhìn rất quan trọng, kể cả cách nhìn của thể lý hoặc cách nhìn của tâm hồn, của trái tim. Cách nhìn nào cũng phải có nghệ thuật và trình độ.

Saturday, November 2, 2013

ĐIỀU DUY NHẤT


(Thi hóa TV 27:4)

Một mình đứng giữa nghĩa trang
Lặng thầm suy nghĩ, bâng khuâng nỗi niềm
Một điều con mãi kiếm tìm
Là con đây được ngắm nhìn Thánh Nhan
Ngụ trong Nhà Chúa chí nhân
Trọn đời con được ở bên Chúa Trời
Hưởng nguồn êm ái của Ngài
Chiêm ngưỡng đêm ngày Thánh Điện không ngơi
Một điều duy nhất, Chúa ơi!
Xin cho con được như lời cầu mong

TRẦM THIÊN THU
Lễ Cầu Hồn – 2013

KHẮC KHOẢI LUYỆN HÌNH

Vực sâu tăm tối Luyện Hình
Xác hồn khốn bởi tội tình, Chúa ơi!
Thời gian thăm thẳm chậm trôi
Không gian đầy ắp những lời kêu van
Khát khao Cõi Phúc âm thầm
Ăn năn sám hối muôn phần, Chúa ơi!
Cách xa Chúa, khốn một đời
Lửa Yêu đốt cháy tả tơi linh hồn